
Hạng mục sơn nhà chỉ chiếm 5->10% tổng chi phí nhưng lại quyết định phần lớn vẻ đẹp của ngôi nhà, là “lá chắn” bảo vệ kết cấu công trình . Do đó, phải đảm bảo đúng kỹ thuật và hiểu được những sai lầm cần tránh trong quá trình thi công
Mục lục:
- I- Điều kiện thời tiết phù hợp thi công sơn
- II- Quy trình thi công sơn nhà
- III- Lập kế hoạch sơn nhà, hạch toán chi phí và dự toán chi phí
I- Điều kiện thời tiết phù hợp thi công sơn
✍ Tường mới trát vữa xong, thời gian để khô bề mặt từ 21-> 28 ngày( với nhiệt độ trung bình 30 độ C, độ ẩm môi trường 80%). Để chính xác nhất dùng máy đo Độ ẩm Protimeter dưới 16%

✖ Không sơn nhà nếu nhiệt độ thời tiết dưới 10 độ C
✖ Không sơn tường ngoài trời khi mưa
II- Quy trình thi công sơn nhà
Bước 1: Vệ sinh bề mặt tường
Để bề mặt tường đẹp nhẵn mịn, đảm bảo độ bám dính cần vệ sinh sạch sẽ tạp chất như bụi bẩn, dầu mỡ, sáp…
Đối với tường mới, chưa từng sơn
Cần 21- 28 ngày để khô bề mặt( với nhiệt độ trung bình 30 độ C, độ ẩm môi trường 80%)
- Dùng máy chà nhám đánh bay vụn vữa thừa dính trên tường. Công việc này càng làm kỹ thì bề mặt tường sẽ phẳng hơn
- Vệ sinh lại bề mặt sau chà nhám
Đối với tường sơn lại
Trường hợp 1: Lớp sơn cũ vẫn còn tốt. Dùng chổi quét sạch mạng nhện và lau các bụi bẩn bám trên bề mặt tường. Sau đó tiến hành thi công sơn
Trường hợp 2: Lớp sơn tường cũ bị nấm mốc
- Mốc ít có thể sử dụng nước chanh, xà phòng, oxy già
- Mốc nhiều sử dụng nước tẩy Javel, giấm và baking soda, các hóa chất tẩy rửa chuyên dụng khác…
- Mốc quá nặng thì dùng sủi sơn róc hết lớp sơn bị nấm mốc
Trường hợp 3: Lớp sơn bị bong tróc
Dùng bay sủi sơn róc hết lớp sơn bong tróc, phồng rộp. Hoặc dùng máy xả nhám chà thật kỹ đánh bay lớp sơn cũ đã yếu

Trường hợp 4: Thấm ẩm, nấm mốc quá nặng, lớp vữa mục ra xuống cấp trầm trọng
Trước khi sơn bắt buộc phải thi công chống thấm
Bước 2: Xử lý bề mặt tường
- Những nơi có vết nứt nhỏ, lõm, lỗ đóng đinh…dùng bột bả trét cho bằng phẳng
- Với vết nứt lớn rộng hơn 3cm cần dùng keo trám khe hoặc đổ vữa bù
- Mài phẳng những chỗ lồi, gồ ghề
Bước 3: Tiến hành thi công chống thấm
Tất cả các hãng sơn trên thị trường đều quy định: sơn lót, sơn màu trong nhà không được sơn tường ngoài trời. Vì sơn trong nhà không có thành phần kháng tia UV từ mặt trời, không bền với nước… lâu ngày gây ra nấm mốc, phồng rộp…
Do đó, phải thi công chống thấm tại các nguồn gây thấm nước như:
- Nước sinh hoạt: nhà tắm, nhà vệ sinh, bể bơi…
- Nước do khí hậu:
Trời mưa đọng nước trên sân thượng, sàn mái, ban công…
Hơi nước do trời nồm, do bốc lên từ móng… thì hiện nay sơn màu trong nhà không khắc phục được tình trạng này. Do đó cần thi công sơn chống thấm trước, sau đó mới sơn màu
Bước 4: Thi công bột bả matit( bột trét)

Bột bả có tác dụng làm phẳng bề mặt, giúp lớp sơn khi quét lên được đều và đẹp hơn
Tuy nhiên, khi sử dụng bột bả tuổi thọ sơn sẽ giảm 10-15-20% do độ bền của bột bả không lâu như sơn, mà lớp sơn phủ màu lại bám vào lớp bột bả
*Lời khuyên:
- Ngoài trời không dùng bột bả. Nhưng riêng Tầng 1 cần thẩm mĩ do gần mắt mọi người, có thể lựa chọn bả hoặc ốp gạch
- Trong nhà nên bả để đảm bảo thẩm mỹ
- Muốn bề mặt được nhẵn mà không cần dùng bả, hãy sử dụng cát hạt mịn trát lên tường. Sau khi khô, mài kỹ hơn 1 chút là sẽ có một bức tường đẹp không cần bả. Và quan trọng hơn hết là tìm thợ tay nghề trát vữa cao
Bước 5: Sơn lót
- Hồ vữa trong tường có đặc tính ăn mòn mạnh nên sơn lót là điều bắt buộc, giúp ngăn chặn kiềm hóa từ hồ vữa thoát ra làm hỏng bề mặt sơn màu ( sơn màu trang trí không chịu được kiềm hóa)
- Sơn lót giúp tăng độ phủ của sơn màu, giúp lớp sơn phủ màu đẹp hơn, chuẩn màu hơn và tăng độ bám dính của sơn màu
Có thể sơn 1 lớp lót hoặc 2 lớp lót tùy theo từng hãng sơn quy định
Sơn chống thấm của những thương hiệu chất lượng cao không cần sơn lót vì thành phần tạo nên sơn chống thấm rất bền với nước và hóa chất ( kiềm, axit…) . Do đó, sơn tường nhà mới không cần sơn lót. Nhưng với tường nhà cũ thì sơn chống thấm cần sơn lót để tăng độ bám dính ( sơn lót đóng vai trò như ” băng dính 2 mặt” để kết dính bề mặt sơn cũ và sơn chống thấm)
Bước 6: Sơn phủ màu

Sơn phủ màu lớp 1
Khi lớp sơn lót đã khô tối thiểu là 2h mới tiến hành sơn lớp phủ màu 1
Tùy vào bề mặt tường để lựa chọn dụng cụ thi công thích hợp như: chổi, cọ, Rulô (lu), máy phun sơn. Ví dụ: góc tường, phào chỉ… cần dùng chổi
Nên pha sơn màu với 5-10% nước sạch khi sơn màu lớp 1. Lý do:
- Tránh hiện tượng lớp sơn quá dày tạo ra bọt khí. Khi bọt khí nổ sẽ tạo thành các lỗ li ti trên bề mặt sơn. Thợ sơn thiếu kinh nghiệm sẽ không biết nguyên nhân và cách xử lý tình huống này
- Bớt tình trạng khi sơn để lại vệt chổi, vệt rulo trên tường
- Tăng độ phủ được nhiều mét vuông hơn
Sơn phủ màu lớp 2
- Sau khi sơn phủ lớp 1 khô khoảng 2-3h ( với trời nắng, khô ráo) tiến hành thi công sơn màu lớp 2
- Sơn phủ lớp 2 không nên pha thêm nước. Nếu có không quá 5%
*Lưu ý: Sơn phủ lớp 2 nên dùng dụng cụ y như sơn phủ lần 1
Bước 7: Nghiệm thu sơn nhà
Công trình dân dụng
Khi sơn phủ xong lớp 2 đợi khô 3h tiến hành nghiệm thu sơn bả ( sơn chưa khô thì lớp sơn màu trang trí sẽ lệch màu)
- Quan sát bằng mắt thường: Bề mặt đẹp, sơn phủ màu đều, không bị loang, không bị chia làm 2 màu, không có các vệt là đạt yêu cầu
- Quan sát khi rọi bóng đèn: Nghiệm thu phương án này cần trả chi phí cho thợ sơn bả cao hơn
Công trình dự án lớn
Nghiệm thu theo từng giai đoạn, theo từng hạng mục và theo từng đội thầu thợ
Lý do: Với dự án lớn, đặc biệt là chủ đầu tư trả công cao nhưng yêu cầu rất khắt khe thì nghiệm thu từng giai đoạn sẽ quản lý chất lượng chặt chẽ hơn
- Tránh trường hợp chỉ nghiệm thu giai đoạn cuối cùng là 2 lớp sơn màu thì giai đoạn bả, sơn lót có thể bị ăn bớt
- Quy trách nhiệm, phân công việc dễ dàng hơn vì “giấy trắng mực đen” thể hiện rõ trên biên bản nghiệm thu
III- Lập kế hoạch sơn nhà, hạch toán chi phí và dự toán chi phí
1.Tính diện tích sơn nhà

DIỆN TÍCH SƠN TRONG NHÀ
Ước tính:
Diện tích sơn trong nhà = Diện tích mặt sàn x số tầng x hệ số
Trong đó:
Nhà thông dụng hiện nay như nhà ống, nhà mái thái x hệ số 4
Nhà biệt thự, ngăn nhiều phòng x hệ số 4,5
VD: Diện tích sàn 100m², nhà 3 tầng => Diện tích sơn trong nhà = 100m² x 3 x 4= 1200m² ( đã bao gồm cả trần nhà )
Bóc tách riêng:
Diện tích trần = diện tích sàn = 100m² x 3 tầng= 300m²
Diện tích tường= 1200- 300= 900m² tường
*Dựa vào ví dụ trên, gia chủ thử ước lượng xem Diện tích sơn nhà mình khoảng bao nhiêu mét vuông
DIỆN TÍCH SƠN NGOÀI TRỜI
Ước tính:
Diện tích mặt tiền = chiều rộng mặt tiền x chiều cao
Với nhà biệt thự có thêm logia, ban công… Diện tích mặt tiền = chiều rộng mặt tiền x chiều cao x 1,5
Diện tích mặt bên = chiều dài nhà x chiều cao
Diện tích mặt hậu = mặt tiền
2.Chọn loại vật liệu sơn
A, Ngoài nhà

Mặt tiền:
- Sơn màu trang trí: Quyết định bả hoặc không bả. Sơn lót 1 lớp hoặc 2 lớp lót. Riêng Sơn phủ màu bắt buộc 2 lớp và nên chọn bề mặt bóng. Với tường cũ nên sơn 1 lớp lót + 2 lớp sơn màu bề mặt mờ
- Hoặc Sơn chống thấm màu: tường mới 2 lớp . Tường cũ 1 lớp lót + 2 lớp chống thấm màu
Mặt hậu: thường sẽ sơn chống thấm màu ghi hoặc sơn chống thấm pha xi măng ( 2 lớp)
Mặt bên: với nhà ống thường sơn chống thấm màu ghi hoặc sơn chống thấm pha xi măng hoặc chống thấm màu ( 2 lớp)
Với nhà biệt thự 4 mặt đều sơn màu
Sân thượng sàn mái: Thi công chống thấm
B, Trong nhà
TRẦN NHÀ:
- Trần thường và trần thạch cao đa số sơn màu trắng: siêu trắng hoặc trắng nguyên bản. Gọi chung là trắng trần
- Với trần thạch cao: nên sơn trắng trần loại bề mặt mịn- bề mặt mờ. Không nên sơn trắng trần loại bề mặt siêu bóng, bóng hoặc bán bóng ( bóng mờ). Vì các loại sơn bề mặt bóng rất dễ lộ khuyết điểm như bề mặt không phẳng, lồi, lõm… đặc biệt là khi bật đèn thì trần thạch cao rất dễ bị lệch màu, loang màu, dễ bị để lại vệt chổi, vệt lăn rulo
- Trám vá sửa lỗi trần thạch cao cần thợ có nhiều năm kinh nghiệm
- Trần thạch cao bắt buộc phải thi công bả. Vì lớp sơn lót, sơn màu đều không thể bám vào bề mặt thạch cao. Chỉ có lớp bả mới bám tốt vào lớp thạch cao
TƯỜNG ĐỨNG TRONG NHÀ
- Sơn chống thấm màu hoặc sơn màu trang trí
- Nếu sơn màu trang trí cần quyết định:
Bả hoặc không bả
Sơn lót 1 lớp hoặc 2 lớp
Sơn màu bắt buộc 2 lớp
Sơn trong nhà có thể lựa chọn bề mặt bóng hoặc mờ tùy thẩm mỹ từng người. Và cần lưu ý các vấn đề sau:
Sơn bóng đắt hơn sơn mờ. Sơn bóng bền hơn sơn mờ. Sơn bóng ít bám bụi hơn và dễ lau chùi hơn sơn mờ
NHƯNG giả sử nếu công trình không được chống thấm tốt, hơi nước bốc lên từ móng thì:
- Bề mặt bóng: được ví như lớp ni lông cản nước rất tốt NHƯNG hơi nước cứ bốc lên hàng ngày đùn đẩy lớp sơn thì dần dần sẽ xảy ra tình trạng phồng rộp
- Bề mặt mờ: Hơi nước có thể thoát ra được ( gọi nôm na là lớp sơn này ” thở được” ) nên giảm được hiện tượng phồng rộp do hơi nước đùn đẩy ra
TƯỜNG NGANG TRONG NHÀ
Nhà vệ sinh, nhà tắm cần thi công chống thấm
2.Chọn hãng sơn
- Lựa chọn xong vật liệu sơn cần quyết định hãng sơn để hạch toán khối lượng
- Mỗi hãng sơn có định mức sơn được bao nhiêu mét vuông khác nhau. Sơn chất lượng cao thì độ phủ cao-> sơn được nhiều m² hơn
- Cùng 1 hãng sơn cũng chia ra loại cao cấp, loại khá, rẻ nên định mức 1 thùng sơn được bao nhiêu m² cũng khác nhau
Áng chừng:
Sơn lót 1 thùng 18L, 20kg, 22kg… sơn 1 lớp được 95-115m²
Sơn màu trang trí 1 thùng 15L, 18L, 20kg… sơn 2 lớp được 65-90m²
Sơn chống thấm 1 thùng 20kg…sơn 2 lớp được khoảng 45-55m²
*Dựa vào thông số này, và khối lượng mét vuông tường đã tính ở trên, gia chủ có thể dự toán được số lượng thùng sơn cần cho công trình
3. Sắp xếp thời gian và quy trình sơn
Chuẩn bị
- Sơn lại nhà cũ cần dọn dẹp, che phủ đồ đạc nội thất
- Chuẩn bị bạt che đề phòng đang thi công ngoại thất gặp mưa. Hoặc che cửa khi chà nhám, xả bả bụi bặm
- Trao đổi với nhà hàng xóm tình trạng khi xả bả bụi bặm bay sang
- Nếu họ không đồng ý cần bắc giáo, căng bạt cửa sổ hoặc dùng máy chà kèm tính năng hút bụi
Quan sát mức độ khó thi công sơn ngoài trời:
- Thi công dễ có thể đu dây-> Giá rẻ hơn
- Thi công khó bắt buộc bắc giàn giáo -> Chi phí cao tăng khoảng 60k/ 1m²
Thời gian tiến độ thi công
Giả sử diện tích sơn 1000m²
Bước 1: Với công trình sơn mới đồ đạc thường ngổn ngang cần thuê người lao công tới dọn dẹp, chuẩn bị mặt bằng thi công. Diện tích 1000m² có 1 lao công thời gian vệ sinh bề mặt cần khoảng 1-2 ngày
Bước 2: Chuẩn bị bề mặt tường ( chà nhám- đánh đá) . Diện tích 1000m² có 3 thợ cần 1-2 ngày
Bước 3: Vệ sinh lại bề mặt sau đánh ráp- chà nhám. Cần khoảng nửa ngày
Bước 4: Thi công sơn diện tích 1000m² với 3 thợ
Thi công bả 2 lớp + xử lý mối nối thạch cao khoảng 4- 5 ngày
Xả bả cần khoảng 2 ngày
Sơn lót cần khoảng 2 ngày
Sơn màu nước 1 khoảng 2 ngày
Sơn màu nước 2 khoảng 2 ngày
*Tiến độ trên là thời gian áng chừng, điều kiện thời tiết khi thời tiết khô ráo
Thời gian khô của vật tư sơn bả
- Bột bả: khô sau 3h với thời tiết khô ráo, nắng. Trời mưa, nồm ẩm thời gian khô 1-2-3 ngày
- Sơn lót: 2-3h thời tiết khô ráo, nắng. Trời mưa khoảng 1-2 ngày
- Sơn phủ màu: 2-3h với thời tiết khô ráo. Trời mưa khoảng 1-2 ngày
Kinh nghiệm sắp xếp điều phối công việc sơn nhà
- Hạng mục cần thi công xong trước là TRẦN NHÀ -> TƯỜNG NHÀ
Cũng không nên thi công song song cùng lúc vừa trần, vừa tường
Vì: Sơn tường xong rồi. Sau đó, sơn trần thì bụi bặm, sơn rơi vãi từ trần sẽ rớt xuống tường. Thợ sơn lại mất công vệ sinh, trám vá lại tường lần 2, khi đó có thể xảy ra mâu thuẫn hoặc tính thêm chi phí phát sinh
- Thi công SƠN MÀU LỚP 1 xong, cần thi công LẮP ĐẶT NỘI THẤT luôn, sau đó mới SƠN MÀU LỚP 2
Vì khi lắp đặt nội thất cần khoan đục, vấy bẩn
Giả sử sơn màu lớp 2 xong đẹp đẽ rồi mới lắp nội thất thì lại đục đẽo vấy bẩn lên. Thợ sơn lại tiếp tục lên sơn trám vá lại. Khi đó có thể xảy ra mâu thuẫn hoặc thầu thợ sơn sẽ tiếp tục tính thêm chi phí
4.Chọn thợ sơn nhà
Trước khi thi công, thầu thợ sơn cần đến khảo sát công trình để đưa ra phương án chuẩn bị, thời gian thi công, thời gian hoàn thành, số lượng nhân sự và phương án thi công
Thống nhất công việc, thống nhất quy trình. Nếu muốn rành mạch cần lập hợp đồng, giấy trắng mực đen
Lưu ý về chi phí khi thuê thợ sơn nhà
- Thợ tay nghề cao, nhiều năm kinh nghiệm chi phí sẽ cao hơn thợ ít kinh nghiệm
- Chi phí sơn ngoài trời đắt hơn sơn trong nhà
- Chi phí sơn ngoài trời ở nơi cao tầng nguy hiểm chi phí cao hơn nữa
- Nếu ngoài trời thi công được đu dây thì chủ nhà, chủ đầu tư không cần bỏ thêm chi phí lắp giàn giáo
- Công trình càng nhiều phào chỉ công thợ sơn càng cao. Vì bả, quét phào chỉ rất mất công, mất thời gian và yêu cầu tỉ mỉ
- Các nhà biệt thự, tân cổ điển có phù điêu sẽ tính chi phí phát sinh riêng
- Chi phí thi công sơn sẽ tăng nếu yêu cầu của chủ nhà cao, yêu cầu khắt khe như nghiệm thu soi đèn
- Nên thuê đội thợ thầu uy tín, kinh nghiệm, nhiệt tình nếu không khi xảy ra sự cố, bảo hành sẽ không liên hệ lại được. Hoặc tình trạng mất vật tư sơn, bỏ sót giai đoạn, hoặc không hiểu về chống thấm…
- Sơn nhà quá cũ chi phí sẽ cao hơn sơn nhà mới. Vì công trình cũ cần các công tác xử lý bề mặt như: cạo-róc lớp sơn cũ, tẩy mốc, xử lí chống thấm. Hơn nữa, thợ sơn phải lo lắng chịu khoản rủi ro, bảo hành
Giá thị trường công thợ sơn
Chi phí thuê thợ sơn công nhật khoảng 450,000-550,000/1 ngày
Chí phí thuê thợ sơn theo mét vuông:
TRONG NHÀ:
1 lót -> 2 màu: khoảng 15,000-20,000/1m²
2 bả -> 1 lót -> 2 màu: khoảng 35,000-40,000/1m²
NGOÀI TRỜI:
1 lót -> 2 màu: khoảng 25,000-30,000/1m²
2 bả -> 1 lót-> 2 màu: khoảng 45,000-50,000/1m²
Dựa vào tất cả những thông tin ở trên chủ đầu tư, chủ nhà cũng đã có thể tự đưa ra quyết định về kế hoạch sơn nhà cho riêng mình, ước lượng được chi phí sơn nhà bao nhiêu tiền, thời gian tiến độ thi công, số lượng thợ cần thuê cho phù hợp