Sơn | Phân loại, bí quyết chọn sơn, giá thành & tổng quan

Sơn - Các chủng loại, kinh nghiệm lựa chọn sơn, giá thành phù hợp và quy trình thi công

Cập nhật nội dung: 29/11/2024

Sơn là một loại chất phủ lên bề mặt vật liệu, sau khi khô tạo thành lớp màng có tác dụng trang tríbảo vệ. Sơn có nhiều hãng, chủng loại và ứng dụng khác nhau. Lựa chọn thế nào mới phù hợp giá thành và đúng kỹ thuật? Sơn Thủ Đô chia sẻ kinh nghiệm chi tiết trong bài viết sau

Phân loại sơn & ứng dụng

Sơn được cấu tạo từ 5 thành phần: Chất tạo màng ( chất kết dính ), dung môi, chất độn, bột màuphụ gia. Trong đó, chất tạo màng và dung môi là 2 thành phần quyết định phần lớn TÍNH CHẤT và ĐỘ BỀN của sơn

1- PHÂN LOẠI THEO CHẤT TẠO MÀNG ( chất kết dính ): Là các Polyme

Acrylic: Ứng dụng cho bề mặt tường ( hồ vữa và bê tông) khu vực nội thất – ngoại thất, phổ biến nhất trong xây dựng hiện nay

  • Ưu điểm: kháng tia UV tốt và giá thành tầm trung ( 50.000-150.000/1m²), độ bền 7-10 năm. Thi công dễ dàng
  •  Nhược điểm: Lão hóa rất nhanh khi sử dụng cho tường nằm ngang, lộ thiên ( sân thượng, sàn mái, sàn nhà…). Chỉ hiệu quả cho tường đứng
Sử dụng sơn nước gốc Acrylic cho tường hồ vữa và bê tông cho khu vực nội thất, ngoại thất
Gốc Acrylic – sơn tường nội – ngoại thất

Epoxy: Ứng dụng trong sơn sàn nhà ( máy móc, xe tải trọng nặng… có thể di chuyển lên bề mặt)

  • Ưu điểm: Độ bền cơ học rất cao ( cường độ chịu nén 20.000 – 28.000 psi, gấp 3 lần bê tông… ) , kháng hóa chất mạnh ( pH 2-13 ) và độ bám dính rất cao
  • Nhược điểm: Giá thành cao ( 350.000 – 400.000/1m² với độ dày 2mm), độ cứng rất cao nhưng khả năng co giãn thấp và yêu cầu kỹ thuật thi công cao
Sơn sàn nhà gốc Epoxy. Phân loại sơn theo gốc và ứng dụng cụ thể
Gốc Epoxy – sơn sàn nhà xưởng, bãi đỗ xe…

Polyurethane(PU): Ứng dụng trong chống thấm sân thượng- sàn mái, sàn nhà, gỗ & kim loại…. 

  • Ưu điểm: Độ bền rất cao ( >15 năm ). Độ bền cơ học và độ giãn dài rất cao( 300-500%), kháng hóa chất tốt
  • Nhược điểm: Giá thành rất cao ( 350.000 – 400.000 / 1m² ), kỹ thuật thi công phức tạp
Sơn chống thấm Polyurethane (PU)- ứng dụng bề mặt ngang
Polyurethane (PU)- ứng dụng bề mặt ngang

Alkyd: Ứng dụng phổ biến cho bề mặt gỗ và kim loại

  • Ưu điểm: Độ bền ( trong nhà 6-8 năm, ngoài trời 5-7 năm), độ bóng cao, khả năng bám dính tốt, chống va đập tốt, dễ thi công và giá thành rẻ ( khoảng 40.000 – 60.000 /1m²)
  • Nhược điểm: Mùi hắc, khó chịu và khó vệ sinh dụng cụ

2- DUNG MÔI:

Dựa vào dung môi, sơn được chia ra làm 2 loại: Sơn gốc nước( gọi tắt là: sơn nước) ( Emulsion hoặc Water-based) và Sơn gốc dầu (Solvent-based):

Đặc điểmSơn nướcSơn dầu
Chất tạo màng( phổ biến)Acrylic, PVA, PUAlkyd, Epoxy, PU
Dung môiNướcAcetone, toluene…
Độ bềnTrung bìnhCao
Chống thấmTốtRất tốt
Độ bóngTrung bìnhCao
Thời gian khôNhanh (1-2 giờ)Chậm (4-6 giờ)
MùiÍt mùiHắc

=> Sơn gốc dầu có độ bền cao, nhưng mùi hắc, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường nên không được sử dụng phổ biến

Dòng sơn gốc nước ( Acrylic ) được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, thậm chí từ ngữ “Sơn, Sơn nước, Sơn nhà, Sơn tường” được người dân gọi để chỉ dòng sơn này ( Mặc dù đây là cách gọi chưa hoàn toàn đúng )

3. PHÂN LOẠI KHÁC:

Độ bóng:

  • Sơn siêu bóng (High Gloss), sơn bóng (Gloss)
  • Sơn bóng mờ ( bán bóng) (Semi-Gloss), sơn mờ ( sơn mịn ) (Matt)

Chức năng: Sơn chống thấm, Sơn nước cho tường nội thất ( Interior Emulsion Paint ) – tường ngoại thất ( Exterior Emulsion Paint ), sơn lót (Primer), sơn chống rỉ, sơn chống nóng, sơn chống cháy…

Thương hiệu: Sơn Kova, Sơn CTmax, Sơn Jotun, sơn Dulux, sơn Mykolor…

Theo bề mặt: Sơn tường ( hồ vữa- bê tông), sơn gỗ, sơn kim loại ( sắt, thép…)

Sơn hiệu ứng: Sơn nhũ vàng, sơn giả đá & sơn giả bê tông

Kinh nghiệm chọn sơn cho công trình

Mục đích sử dụng

Kinh nghiệm mua sơn nội thất, ngoại thất
Lựa chọn sơn phù hợp mục đích và giá thành

Ngoài trời: Thiên về bảo vệ, chống chịu thời tiết. Hãy sử dụng sơn gốc nước Acrylic, dòng bóng cao cấp hoặc sơn chống thấm

Trong nhà: Nếu đã chống thấm tốt thì sơn trong nhà thiên về trang trí và khả năng lau chùi. Sử dụng sơn gốc nước Acrylic ( có hàm lượng thấp hơn, giá thành rẻ hơn)

Sơn lại: KHÔNG SỬ DỤNG SƠN ACRYLIC CAO CẤP- SƠN BÓNG, hãy sử dụng sơn Acrylic bề mặt mờ-mịn có giá thành rẻ. Lý do:

  • Sơn bề mặt mờ-mịn bám dính tốt vào lớp sơn cũ. Nếu xảy ra bong tróc 1 vị trí nhỏ, thì chỉ bong tróc tại vị trí đó ➝ Trám vá dễ dàng
  • Sơn bề mặt bóng khó bám vào lớp sơn cũ. Nếu xảy ra bong tróc 1 vị trí nhỏ, sẽ bong tróc kéo theo cả 1 mảng tường lớn ➝ Tốn chi phí

Chọn sơn chống thấm tốt: có hàm lượng chất tạo màng cao ( Acrylic 35-45%) , chất độn cao cấp ( Titan dioxit-TiO2, Silica-SiO2, Nhôm oxit-Al2O3 …), phụ gia kháng tia UV, kháng nấm mốc- rêu mốc…

Sơn bóng- chống thấm tốt, dễ lau chùi, bổ sung thành phần chống rêu mốc, kháng khuẩn
Sơn bóng- chống thấm tốt, dễ lau chùi

Dễ lau chùi: Lựa chọn dòng sơn bóng, siêu bóng ( chỉ số bóng GU > 41% )

Độ phủ cao, quét được nhiều m², giá rẻ: Bề mặt mờ ( mịn) ( chỉ số GU 1- 25%)

– Trần thạch cao: Lựa chọn dòng sơn mờ, bóng mờ ( chỉ số GU 1- 25%)

Kháng khuẩn & rêu mốc: Lựa chọn dòng sơn có chứa phụ gia ion Bạc ( Ag+ )

Khu vực ẩm ướt ( nhà tắm, bếp, chân tường…): Ốp gạch đá hoa quanh tường ( mạch gạch dùng keo chà ron Epoxy) . Sàn sử dụng chống thấm Polyurethane

Khu vực lộ thiên ( Chống thấm sân thượng-sàn mái ): Khu vực yêu cầu độ bền rất cao, độ co giãn rất cao( 350-500%), kháng hóa chất mạnh và kháng tia UV tốt: sử dụng chống thấm Polyurethane(PU), Polyurea…

Giá cả phù hợp

Các yếu tố ảnh hưởng tới giá sơn:

  1. Chất lượng sơn: phân khúc sơn cao cấp, trung cấp và thấp cấp
  2. Thương hiệu: Sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng có giá thành cao hơn. VD: Cùng 1 phân khúc sơn trung cấp nhưng có hãng giá 2 triệu, có hãng 3 triệu

*Nguyên nhân: công ty lớn thì chi phí hoạt động công ty, máy móc, nhân sự, quảng bá… rất lớn nên chi phí sản phẩm sẽ cao. Đổi lại chủ nhà mua được “sự an tâm”: kiểm duyệt sản phẩm chặt chẽ trước khi đưa ra thị trường, xử lý sự cố và bảo hành hậu mãi

  1. Thành phần cấu tạo: Nguyên liệu sản xuất sơn chất lượng cao ➝ Giá thành cao. VD: Giá sơn Styrene Acrylic < Acrylic < Polyurethane …

Ngân sách:

  • Ngân sách thấp: Sử dụng sơn mịn, bóng mờ. Hãng sơn kinh tế-giá rẻ
  • Ngân sách vừa: Sử dụng sơn bóng hoặc siêu bóng. Hãng sơn chưa nổi tiếng
  • Ngân sách cao: Sử dụng sơn bóng, siêu bóng. Thương hiệu nổi tiếng
  • Ngân sách lớn: Sử dụng sơn ngoài trời thi công trong nhà. Thương hiệu nổi tiếng

Bí quyết chọn màu sơn nhà – Đơn giản & dễ hiểu

Hướng dẫn phối màu theo quy tắc đơn giản và dễ hiểu. Do Sơn Thủ Đô chia sẻ
Hướng dẫn phối màu

Kinh nghiệm phối màu của Sơn Thủ Đô:

  • Lựa chọn màu trung tính ( trắng, ghi, xám, nâu) tạo không gian hiện đại, phù hợp rất nhiều phong cách kiến trúc và dễ dàng chọn lựa
  • Trần nhà lựa chọn màu trắng, tạo cảm giác trần cao và mở rộng không gian
  • Lựa chọn màu nhạt, sáng để tăng cường độ sáng cho căn phòng, tạo cảm giác không gian rộng rãi, nhẹ nhàng
  • Màu đậm lựa chọn làm phào chỉ hoặc 1 bức tường điểm nhấn
  • Quy tắc phối màu: 70-20-10 ( màu nhạt chủ đạo chiếm 70%, màu điểm nhấn 20%, màu khác 10% )

Tìm hiểu thêm: 50+ mẫu sơn nhà đẹp hiện đại, phù hợp phong thuỷ và hướng dẫn phối màu theo quy tắc chi tiết

Thương hiệu sơn uy tín

TOP thương hiệu sơn nổi tiếng: Dulux, CTmax, Kova, Jotun, Mykolor, Nippon… 

Sử dụng sơn thương hiệu sẽ an tâm về chất lượng và chế độ bảo hành tốt. Hàm lượng( chất tạo màng, phụ gia…) đúng cam kết và được nghiên cứu phù hợp khí hậu từng khu vực

Bảng giá sơn & ước tính chi phí sơn nhà

Giá sơn & hướng dẫn Dự toán chi phí sơn nhà
Dự toán chi phí sơn nhà

BẢNG GIÁ THỊ TRƯỜNG CÁC HÃNG SƠN % giảm giá ( chiết khấu )

Bảng giá gốc sơn Dulux ( chiết khấu 43%)

Bảng giá gốc sơn Jotun ( chiết khấu 45%)

Bảng giá gốc sơn CTmax ( giá niêm yết )

Bảng giá gốc sơn Kova ( chiết khấu 35%)

Chủ nhà hãy tham khảo thợ sơn hoặc các đại lý quanh khu vực để nhận báo giá cụ thể và chính xác nhất

*Lưu ý: Nhiều hãng sơn đôn giá gốc lên cao, rồi chiết khấu 60-70%, do đó, chiết khấu không quan trọng bằng giá thành CUỐI CÙNG 1 thùng sơn bao nhiêu tiền, nếu sơn trọn gói hãy quan tâm: 1 mét vuông bao nhiêu tiền

ƯỚC TÍNH DIỆN TÍCH SƠN NHÀ

Diện tích sơn trong nhà = Diện tích 1 sàn x Số tầng x Hệ số

Trong đó:

  • Nhà thông dụng hiện nay như nhà ống, nhà mái thái  x  hệ số 4
  • Nhà biệt thự, ngăn nhiều phòng  x  hệ số 4,5

Diện tích sơn ngoài trời = Diện tích mặt tiền + mặt hậu + mặt trái + mặt phải – khu vực không sơn

Diện tích mặt tiền = Chiều dài x chiều rộng

Diện tích mặt hông = Chiều dài x chiều cao

Quy trình thi công

Các bước sơn nhà, các lớp sơn nhà đúng kỹ thuật. Sơn Thủ Đô chia sẻ
Quy trình sơn đúng kỹ thuật
Công đoạnĐộ dàyThời gian chờ
Bột bả (Putty)0,5-1mm24 giờ
Bột bả lớp 20,5-1mm24 giờ
Lớp lót (Primer)0,1-0,2mm2-4 giờ
Sơn màu lớp 10,1-0,15mm4-6 giờ
Sơn màu lớp 20,1-0,15mm7 ngày (khô hoàn toàn)

Trước khi thi công, phải chuẩn bị bề mặt kỹ lưỡng: 

Dùng máy chà nhám ( đánh đá) đánh bay vụn vữa thừa, ba via. Vệ sinh sạch sẽ bụi bẩn, tạp chất. Xử lý các vết nứt, lồi lõm (nếu có). Xử lý dứt điểm thấm ẩm, nấm mốc và phồng rộp

Dụng cụ thi công sơn: Chổi quét sơnlăn sơn ( rulo) hoặc máy phun sơn với áp suất:

  • Sơn nước: Máy phun áp suất từ 2100 ➝ 2200 PSI (pound per square inch)
  • Sơn dầu: Áp suất 2200 ➝ 2500 PSI
  • Sơn PU 1 thành phần 2200 ➝ 2500 PSI, Sơn PU 2 thành phần 2500 ➝ 3000 PSI
  • Sơn Epoxy: Áp suất >3000 PSI

Các cấp độ Chống thấm & độ bền của Sơn

Các cấp độ chống thấm & độ bền của chất tạo màng :

Vinyl < Alkyd <  Styrene Acrylic Copolymer < Acrylic < Silicone < Polyurethane (PU) < Epoxy < Polyurea

( Sắp xếp theo thứ tự từ thấp ➝ cao & Xét trong điều kiện tiêu chuẩn)

*Lưu ý: Độ bền của sơn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: chất độn, phụ gia, công thức pha chế, kỹ thuật thi công, điều kiện môi trường và yêu cầu cụ thể

Những yếu tố ảnh hưởng đến độ bền của lớp sơn trên tường

Không xét tới chất lượng của sơn, thì 3 yếu tố sau ảnh hưởng tới độ bền của lớp sơn:

  • Bề mặt tường: Sơn chất lượng cao cũng bong tróc nếu quét lên bề mặt ẩm ướt, bụi bẩn, sạn cát… . Do đó, bề mặt tường phải được xử lý kỹ trước khi sơn, đảm bảo sạch sẽ, khô ráo, không bụi bẩn, bụi mịn… để sơn ngấm sâu – bám dính tốt
  • Kỹ thuật thi công: Thợ sơn có tay nghề cao sẽ đảm bảo lớp sơn được thi công đúng kỹ thuật, đồng đều
  • Điều kiện thời tiết: Thời tiết nắng ráo (10-35°C) sẽ giúp sơn khô nhanh và bám dính tốt hơn. Tránh thời tiết mưa gió, độ ẩm cao…

Định mức 1 thùng sơn được bao nhiêu m2?

Nên quét sơn đúng định mức nhà sản xuất quy định. Thi công lớp sơn quá mỏng sẽ ảnh hưởng tới độ bền. Định mức trung bình theo kinh nghiệm thi công của Sơn Thủ Đô:

  • Bột bả ( bao 40kg ), bả 2 lớp được khoảng 45-50m2
  • Sơn lót ( thùng 18L ), sơn 1 lớp được khoảng 110-115m2
  • Sơn màu ( thùng 18L ): sơn 2 lớp được khoảng 90-95m2

Thời gian khô của sơn là bao lâu?

Thời gian khô phụ thuộc và rất nhiều yếu tố như: độ dày, thời tiết… Sơn Thủ Đô đề cập thời gian khô tính trung bình:

  • Bột bả: khô bề mặt 3-4h, khô hoàn toàn 1-2 ngày
  • Sơn lót: Khô bề mặt 1-2h, khô hoàn toàn 4-6h
  • Sơn màu: khô bề mặt 2h, khô hoàn toàn 3-4 ngày

Sơn nhà sau bao lâu có thể ở được?

Trả lời: Sơn nhà bằng sơn gốc gốc nước ( Acrylic) có thể ở được: sau 5-7 ngày

Bảo quản sơn & hạn sử dụng

Thời hạn sử dụng sơn mới: 24-36 tháng

Sơn đã pha màu ( sử dụng thừa): 1 năm

Điều kiện bảo quản tối ưu: Nhiệt độ: 5-35°C và Độ ẩm: <75%

Bảo trì- bảo dưỡng

Độ bền của sơn Acrylic đạt 10 năm nhưng bắt đầu có dấu hiệu lão hóa dần dần từ năm thứ 5 hoặc thứ 6, do đó, cần bảo dưỡng trong thời điểm này.

Quy trình: Vệ sinh bề mặt, bả vá vết nứt ( nếu có), thi công 1-2 lớp sơn phủ màu

Tiêu chuẩn an toàn và môi trường

1. Chỉ số an toàn:

  • Hàm lượng chì: <90ppm
  • Hàm lượng thủy ngân: <60ppm
  • Formaldehyde: <0.05%
  • Độ độc cấp tính: LD50 >5000mg/kg

2. Tiêu chuẩn môi trường:

  • Chứng nhận Green Label
  • VOC compliance:
    • EU Directive 2004/42/CE
    • SCAQMD Rule 1113
  • Khả năng tái chế: >80% bao bì

Lỗi kỹ thuật khi thi công sơn ( tỷ lệ 5-8% gặp phải )

LỖI KỸ THUẬT 1: Bề mặt sơn nổi bọt khí và bị lỗ kim châm

  • Do thi công lớp sơn quá dày: Khiến dung môi trong sơn bay hơi không kịp và bị giữ lại bên trong màng sơn tạo thành bọt khí. Khi bong bóng bọt khí vỡ tạo thành lỗ kim châm li ti
  • Lớp trước chưa khô, đã thi công lớp sau
  • Thời tiết quá nắng nóng: Khiến mặt ngoài lớp sơn khô nhanh chóng tạo thành màng, nhưng lớp sơn bên trong chưa kịp khô, dung môi không thể thoát ra và tạo thành bọt khí
  • Không dùng máy khuấy sơn trước khi thi công. Các thành phần trong sơn không đồng nhất tạo thành bọt khí
  • Bề mặt gồ ghề, không phẳng sẽ làm cho lớp sơn không đều và dễ bị bong tróc, tạo ra các khe hở cho không khí xâm nhập

2- Bề mặt sơn bị phòng rộp, sau khi sơn 1 thời gian ngắn

  • Do tường ẩm, chưa đạt độ khô cần thiết đã tiến hành thi công sơn
  • Lớp trước chưa khô, đã thi công lớp sau
  • Do hơi ẩm bốc lên từ móng ( qua mạch dừng) gây phồng rộp chân tường

3- Nguyên nhân và cách xử lý màng Sơn bị chảy xệ

  • Pha sơn với nước quá loãng
  • Lớp sơn quá dày
  • Lớp trước chưa khô, đã thi công lớp sau
  • Trời nồm ẩm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0928 413 666